Tuyên Quang - Những ngày đầu tái lập tỉnh

Chủ nhật, ngày 24 tháng 10 năm 2021 - 15:08 Đã xem: 888

Sau 15 năm hợp nhất tỉnh Hà Tuyên (1976-1991), được sự đồng ý của Bộ Chính trị, căn cứ tình hình thực tiễn và yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, ngày 12/8/1991, Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 9 quyết nghị chia tách tỉnh Hà Tuyên thành hai tỉnh là Hà Giang và Tuyên Quang.

Một góc thành phố Tuyên Quang. Nguồn ảnh: hdndtuyenquang.gov.vn

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã họp từ ngày 15 đến ngày 18/8/1991 bàn biện pháp tổ chức lãnh đạo thực hiện và ra nghị quyết về nguyên tắc khi chia tỉnh; cuối tháng 9/1991, việc chia tỉnh Hà Tuyên thành hai tỉnh đã cơ bản hoàn thành. Sau khi được tái lập, tỉnh Tuyên Quang có dân số 598.050 người, gồm 22 dân tộc, 90% dân số sống ở nông thôn. Tỉnh có 6 đơn vị hành chính, gồm thị xã Tuyên Quang và các huyện: Na Hang, Chiêm Hoá, Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương. Đơn vị hành chính cấp cơ sở có 3 phường, 7 thị trấn, 135 xã.

Tuyên Quang có nhiều thuận lợi là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, đoàn kết; tình hình chính trị - xã hội ổn định. Tỉnh có lực lượng lao động dồi dào, có kinh nghiệm trong sản xuất, nhất là nghề rừng. Tiềm năng đất đai trong phát triển nông, lâm nghiệp còn nhiều; điện lưới quốc gia đã về đến một nửa số huyện trong tỉnh. Tỉnh có nhiều di tích lịch sử cách mạng và danh lam thắng cảnh, thuận lợi phát triển du lịch. Tiềm năng về thủy điện và công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm sản và khoáng sản của tỉnh khá phong phú …

Song, Tuyên Quang vẫn là tỉnh nghèo, nhiều khó khăn: kinh tế phát triển chậm, trình độ sản xuất thấp kém và mang nặng tính tự cung tự cấp. Đất trống, đồi núi trọc còn nhiều; công nghiệp chưa phát triển, chỉ chiếm 14% giá trị tổng sản phẩm xã hội; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Đời sống nhân dân trong tỉnh gặp nhiều khó khăn. Sự lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường còn lúng túng. Trình độ của nhiều cán bộ, đảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình nhiệm vụ đặt ra; còn một bộ phận giảm sút ý chí chiến đấu, ảnh hưởng đến lòng tin của Nhân dân đối với Đảng. Tình hình đó đặt ra cho Đảng bộ và Nhân dân Tuyên Quang những nhiệm vụ hết sức nặng nề, đó là phải tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt, đồng thời phải nghiên cứu các chủ trương, biện pháp cho sự phát triển lâu dài, toàn diện, nâng cao đời sống nhân dân.

Để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn cách mạng mới, Đảng bộ và  nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, thử thách để ổn định và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xóa mù chữ, thực hiện phổ cập giáo dục, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh đưa tỉnh Tuyên Quang hoà nhịp với sự phát triển của cả nước, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của tỉnh Tuyên Quang trong những năm tiếp theo./.

N.T.B.H

 

Xem tin theo ngày:   / /